Hãy thử nhìn vào bảng thành phần của lọ tuýp sữa rửa mặt hoặc kem dưỡng mà bạn đang sử dụng. Chắc chắn sẽ có mặt Butylene Glycol trong đó. Đây là một chất được sử dụng vô cùng rộng rãi trong ngành công nghiệp mỹ phẩm. Thế nhưng vào thời gian gần đây, có nhiều thông tin cho rằng Butylene Glycol không tốt cho làn da và sức khỏe. Vậy điều này có đúng? Hãy cùng Skintalk làm rõ ngay trong bài viết hôm nay.
Bấm để xem Nội dung bài viết
Butylene Glycol là gì?
Theo INCI Decoder, Butylene Glycol còn được gọi là Butane-1,3-Diol. Đây là một hợp chất hữu cơ này tồn tại ở dạng lỏng, tan trong nước, hơi nhớt và không màu. Nó có nguồn gốc từ dầu mỏ, mía hoặc ngô chưng cất.
Trong ngành công nghiệp mỹ phẩm, Butylene Glycol được xem như một loại dung môi có đặc tính giữ ẩm và giúp cải thiện kết cấu sản phẩm. Ngoài ra, nó còn là giải pháp thay thế cho Propylene Glycol, một chất cũng mang lại tác dụng tương tự nhưng có khả năng gây kích ứng khá cao.
Mỹ phẩm chứa Butylene Glycol rất đa dạng. Bạn có thể tìm thấy thành phần này trong cả sản phẩm chăm sóc da, chăm sóc tóc và trang điểm. Ví dụ như sữa rửa mặt, kem dưỡng ẩm, sữa dưỡng thể, dầu gội, dầu xả, kem nền, son môi,…
Cách điều chế Butylene Glycol: Trước đây, Butylene Glycol chủ yếu được tổng hợp thông qua quá trình ngưng tụ Acetaldehyde. Nhưng vì Acetaldehyde là một nguyên liệu từ dầu mỏ, có khả năng gây ung nên nhiều nhà sản xuất đã chuyển sang phương pháp lên men bằng vi khuẩn E.coli.
Cơ chế hoạt động của Butylene Glycol: Trong sản phẩm, Butylene Glycol phá vỡ các chất khó hòa tan trong sản phẩm để tăng cường sự thẩm thấu và cải thiện kết cấu. Khi thoa lên da, Butylene Glycol hoạt động như một chất hút nước đồng thời tạo lớp màng giữ ẩm, làm mềm da.
Butylene Glycol có tác dụng gì trong làm đẹp?
Giữa ẩm
Butylene Glycol có đặc tính giữ ẩm, nghĩa là nó có thể giúp ngăn mất nước và duy trì độ ẩm cho da và tóc. Bên cạnh đó, Butylene Glycol cũng hoạt động như một chất làm mềm giúp giúp bề mặt da trở nên mịn màng hơn.
Làm dung môi
Vai trò chính của Butylene Glycol trong hầu hết các sản phẩm chăm sóc da là làm dung môi. Dung môi giúp hòa tan các các thành phần khác trong công thức, ngăn không cho chúng bị vón cục hoặc kết tinh.
Giảm độ nhớt
Các nhà sản xuất còn sử dụng Butylene Glycol để giảm độ nhớt cho sản phẩm đồng thời ngăn không cho các thành phần khác dính vào nhau. Điều này đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì kết cấu đặc mịn, giúp sản phẩm trơn mượt và dễ tán trên da.
Ổn định sản phẩm
Trong công thức mỹ phẩm, Butylene Glycol cũng hoạt động như một chất ổn định. Nó giúp ngăn không cho các thành phần dễ bay hơi mất hoạt tính hoặc mùi thơm vốn có.
Hoạt động như chất bảo quản
Butylene Glycol có đặc tính kháng khuẩn và khả năng chống lại sự ô nhiễm do vi sinh vật. Do đó, nó có thể có thể giúp tăng cường hiệu quả của chất bảo quản trong công thức.
Theo một nghiên cứu vào năm 2021, việc kết hợp Butylene Glycol với Chitosan, làm gia tăng đáng kể đặc tính kháng khuẩn và chống oxy hóa. Các nhà khoa học cũng phát hiện ra rằng sự kết hợp này mang lại tác dụng bảo quản mạnh mẽ trong mỹ phẩm. Ngoài ra, một nghiên cứu cũ hơn vào năm 2018 cho thấy Butylene Glycol ở nồng độ 25% có hiệu quả chống lại tất cả các chủng vi sinh vật được thử nghiệm.
Hỗ trợ làm giảm các triệu chứng do mụn
Butylene Glycol là một chất giữ ẩm có tác dụng ngăn chặn vi khuẩn. Vì vậy mà nó rất thường xuyên xuất hiện trong kem dưỡng chống mụn. Tuy nhiên, Butylene Glycol không trực tiếp ngừa mụn mà thay vào đó làm dịu các triệu chứng liên quan đến mụn.
Butylene Glycol có an toàn không?
Trong thang đo của EWG, Butylene Glycol được xếp ở mức 1, nghĩa là khả năng gây nguy hiểm cho làn da và sức khỏe của nó cực kỳ thấp. Vào năm 2011, Hội đồng Đánh giá Thành phần Mỹ phẩm (CIR) cũng đã xác định Butylene Glycol là một chất an toàn để sử dụng. Bên cạnh đó, thành phần này được Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đánh giá là một chất phụ gia an toàn trong thực phẩm.
Dù vậy, Butylene Glycol có thể gây khó chịu cho những người có làn da quá nhạy cảm. Trong trường hợp cực hiếm, thành phần này có thể gây viêm da tiếp xúc dị ứng. Ngoài ra, nó cũng gây kích ứng mắt khi bôi xung quanh vùng mắt hoặc rơi vào mắt.
Nếu chẳng may bạn bị kích ứng hoặc nổi mẩn ngứa khi sử dụng sản phẩm chứa Butylene Glycol, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ da liễu ngay lập tức. Họ có thể xác định xem Butylene Glycol có phải là nguyên nhân gây ra phản ứng hay không.
Một số tin tức sai lầm về Butylene Glycol
Butylene Glycol gây mụn vì có nguồn gốc từ dầu mỏ
Cho đến hiện tại, không có bằng chứng cho thấy Butylene Glycol có thể gây mụn vì được sản xuất từ chất có trong dầu mỏ. Thêm vào đó, hiện nay cũng có các phương pháp tổng hợp Butylene Glycol với nguồn nguyên liệu không phải từ dầu mỏ. Và trên thực tế, Butylene Glycol giúp bổ sung thêm độ ẩm giúp duy trì hàng rào bảo vệ da khỏe mạnh. Những điều này rất có ích trong việc ngăn tiết dầu quá mức và chống lại sự tấn công của vi khuẩn gây hại.
Butylene Glycol được sử dụng như chất chống đông
Một số người cho rằng Butylene Glycol có hại cho da vì là một chất chống đông. Tuy nhiên, đây là một thông tin hoàn toàn sai bởi Butylene Glycol bị nhầm lẫn với loại glycol khác. Cụ thể là Ethylene Glycol, một chất chất chống đông ô tô và có độc tính cao.
Butylene Glycol ăn mòn kim loại nên có thể ăn mòn da
Butylene Glycol có thể có tác động ăn mòn đối với các container bằng thép không gỉ. Nhưng điều này không có nghĩa là nó sẽ gây ăn mòn làn da của bạn. Bởi lẽ nồng độ Butylene Glycol trong mỹ phẩm rất thấp và da người cũng không chứa các thành phần có thể phản ứng với Butylene Glycol như trong thép.
Butylene Glycol có hại cho phụ nữ mang thai và cho con bú
Hiện chưa có nhiều nghiên cứu lâm sàng về tác động của Butylene Glycol đối với phụ nữ mang thai và cho con bú. Nếu quá lo lắng, bạn có thể tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng sản phẩm chứa Butylene Glycol.
Butylene Glycol khác gì với Propylene Glycol?
Propylene Glycol và Butylene Glycol có một số điểm tương đồng. Cả hai đều là chất lỏng không màu có nguồn gốc từ dầu mỏ và được sử dụng làm dung môi trong mỹ phẩm. Sự khác biệt giữa Propylene Glycol và Butylene Glycol nằm ở mặt sử dụng, độc tính và tác động lên da.
Propylene glycol được ứng dung nhiều hơn Butylene Glycol. Propylene glycol là chất ổn định trong thuốc, phụ gia thực phẩm, chất tạo kết cấu và chất chống đông.
Một điểm khác biệt đáng chú ý nữa là Propylene Glycol có khả năng gây kích ứng cao hơn Butylene Glycol. Vào năm 2018, nó đã bị đánh giá là “Chất gây dị ứng của năm” bởi Hiệp hội Viêm da Tiếp xúc Hoa Kỳ (ACDS). Việc này đã thúc đẩy nhiều công ty chuyển sang sử dụng Butylene Glycol như một sự thay thế.
Lưu ý khi sử dụng mỹ phẩm chứa Butylene Glycol
Thử sản phẩm trước khi sử dụng
Mỗi người có thể có phản ứng da khác nhau đối với Butylene Glycol. Do đó, bạn hãy thoa thử sản phẩm lên một phần nhỏ da trước khi áp dụng lên toàn bộ khuôn mặt hoặc cơ thể. Bước này giúp bạn xác định xem da có phản ứng bất thường hay không cũng như tránh gặp kích ứng trên diện rộng.
Butylene Glycol không thay thế cho thành phần chuyên dưỡng ẩm
Butylene glycol chủ yếu hoạt động như một dung môi giúp cải thiện kết cấu của sản phẩm. Vì thế mà nó không thể thay thế hoàn toàn cho thành phần chuyên dưỡng ẩm. Để giữ nước, bổ sung độ ẩm và duy trì hàng rào bảo vệ tự nhiên thì bạn cần tìm đến các chất như:
Glycerin
Glycerin là một chất giữ ẩm phổ biến trong các sản phẩm chăm sóc da. Khả năng của nó là hút nước từ không khí và duy trì độ ẩm trong da, giúp làn da luôn mềm mịn và đủ ẩm. Đồng thời, Glycerin còn có khả năng bảo vệ da khỏi sự mất nước do môi trường khắc nghiệt.
Hyaluronic Acid
Với khả năng cấp nước mạnh mẽ, Hyaluronic Acid là thành phần giữ ẩm tuyệt vời cho da khô lẫn da dầu. Nó hút và giữ nước gấp 1000 lần trọng lượng của nó, làm da trở nên căng bóng, mịn màng. Mặt khác, nó cũng làm tăng sự tái tạo tế bào da và thúc đẩy quá trình lành vết thương.
Urea
Là một trong những yếu tố dưỡng ẩm tự nhiên của da, Urea đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì sức khỏe của hàng rào bảo vệ. Nó giúp ngăn chặn mất nước qua biểu bì, cải thiện tình trạng khô da và làm giảm các triệu chứng viêm nhiễm. Nếu bạn đang bị kích ứng hoặc viêm da cơ địa, Urea là sự lựa chọn rất đáng để xem xét.
Ceramide
Ceramide là một trong những chất béo tạo nên lớp hóa sừng. Khi thiếu Ceramide, da trở nên khô, mỏng manh và dễ bị kích ứng hơn. Vì vậy mà bạn không nên bỏ qua việc bổ sung Ceramide vào chế độ chăm sóc da hàng ngày. Ceramide không chỉ giúp duy trì độ ẩm, làm da mềm mịn mà còn góp phần bảo vệ da khỏi tác động môi trường.
Vitamin E tự nhiên nguyên chất
Vitamin E tự nhiên nguyên chất là một chất chống oxy hóa mạnh mẽ và có khả năng dưỡng ẩm tuyệt vời. Nó giúp bảo vệ da khỏi tác động của tia cực tím, ngăn ngừa các dấu hiệu lão hóa. Đặc biệt, nó có thể giúp chống viêm, làm lành và cải thiện khả năng chống năng của da.
Dầu thực vật
Các loại dầu như dầu jojoba, dầu hoa anh thảo có khả năng dưỡng ẩm và bảo vệ da khỏi mất nước. Chúng giúp cung cấp nhiều dưỡng chất và axit béo thiết yếu để làm mềm và nuôi dưỡng da khỏe mạnh.
Như vậy những hiểu lầm về Butylene Glycol đã được làm sáng tỏ. Hy vọng bài viết này giúp bạn có cái nhìn chính xác hơn về Butylene Glycol. Đây là một dung môi giúp làm đẹp kết cấu sản phẩm nhưng có sở hữu khả năng làm mềm mịn và giữ ẩm cho da.