Việc lấy nhân mụn là phương pháp được nhiều người sử dụng nhằm loại bỏ các nốt mụn trên da một cách nhanh chóng. Tuy nhiên nhiều thông tin cho rằng việc nặn mụn có thể gây ra nhiều ảnh hưởng tiêu cực tới làn da và có thể làm xuất hiện các ổ mụn, viêm nhiễm, kích ứng. Vậy chúng ta có nên lấy nhân mụn không? Để có thể tìm được câu trả lời chính xác nhất bạn hãy cùng SkinTalk tìm hiểu trong bài viết sau đây nhé!
Bấm để xem Nội dung bài viết
Có nên lấy nhân mụn không?
Vấn đề đang được rất nhiều người quan tâm và lo lắng nhất hiện nay đó là có nên lấy nhân mụn hay không? Nên lấy nhân mụn tại nhà hay tại các cơ sở có trình độ chuyên môn thì đảm bảo hơn?
Theo lời khuyên của các chuyên gia, chúng ta không nên tự ý lấy nhân mụn tại nhà bởi vì nó gây ra nhiều ảnh hưởng vô cùng tiêu cực đối với sức khỏe làn da. Ảnh hưởng đầu tiên mà làn da gặp phải đó chính là tình trạng nhiễm trùng khá nghiêm trọng. Bởi tay luôn luôn chứa một lượng lớn vi khuẩn nên khi nặn mụn sẽ làm xuất hiện tình trạng nhiễm trùng và mưng mủ.
Đối với các loại mụn mủ thì việc tự ý lấy nhân mụn tại nhà có thể gia tăng khả năng viêm nhiễm lỗ chân lông, làm hình thành các ổ mụn lớn. Khi cố gắng loại bỏ nhân mụn sẽ có thể phá vỡ và hủy hoại hàng rào bảo vệ da, đồng thời khiến bạn có nguy cơ bị sẹo mụn vĩnh viễn.
Việc lấy nhân mụn nếu diễn ra thường xuyên có thể làm trì hoãn khả năng sản xuất và tái tạo collagen, làm chậm quá trình chữa lành của cơ thể, khiến tình trạng mụn kéo dài và khó điều trị. Nghiêm trọng hơn, nếu bạn cố tình nặn mụn sẽ đẩy nhân mụn xuống sâu dưới bề mặt da và gây tắc nghẽn lỗ chân lông. Điều này làm nhân mụn nổi nhiều và có thể gây viêm nhiễm, mưng mủ.
Bạn tuyệt đối không nên loại bỏ nhân của các loại mụn viêm bởi nhân mụn sẽ nằm sâu dưới da, nếu bạn cố tình nặn sẽ dẫn tới nhiễm trùng và hình thành sẹo. Các loại mụn viêm bao gồm:
- Mụn thịt: Loại mụn này thường có kích thước nhỏ, màu ngả vàng hoặc thiên về màu da. Mụn này thường xuất hiện tại vùng mắt, má, môi và cổ. Mụn thịt xuất hiện sẽ không đem lại cảm giác đau đớn trên da, đồng thời không sưng tấy và không chứa mủ.
- Mụn mủ: Mụn mủ là loại mụn thường làm sưng tấy da khi xuất hiện, gây châm chích và đau nhức, bên trong nó chứa chất lỏng màu trắng ngà hoặc màu vàng. Mụn mủ có kích thước 5 -10 mm, dễ bị nhiễm trùng nếu không xử lý cẩn thận.
- Mụn bọc: Mụn bọc là loại mụn khi sờ vào bạn sẽ thấy nó sưng cứng, bên trong chứa dịch màu vàng, trắng hoặc chứa mủ. Loại mụn này khi xuất hiện sẽ gây đau nhức, khó chịu, ảnh hưởng thẩm mỹ. Đây cũng là loại mụn dễ bị tổn thương và viêm nhiễm. Nếu bạn bất cẩn làm mụn vỡ ra thì sẽ gây viêm nhiễm các khu vực lân cận nó.
Nếu trên da xuất hiện các loại mụn sưng viêm, dễ lây lan và có tình trạng trở nặng thì bạn nên đi khám bác sĩ da liễu. Khi tới các cơ sở y tế bạn sẽ được thăm khám và hỗ trợ điều trị mụn bằng các biện pháp an toàn và các dụng cụ chuyên dụng được vô trùng cẩn thận. Điều này không chỉ giúp cải thiện tình trạng mụn mà còn làm giảm nguy cơ nhiễm trùng, mưng mủ, sưng viêm và sẹo rỗ. Hoặc đối với một số tình trạng mụn bác sĩ sẽ tiêm cortisone để thu nhỏ mụn và giảm đau cấp tốc. Bởi vậy bạn cần theo dõi tình trạng mụn để có có biện pháp điều trị và can thiệp kịp thời, tránh để tình trạng ngày càng trở nặng hơn.
Lấy nhân mụn không đúng cách nguy hiểm như thế nào?
Việc nặn mụn không đúng cách không những không làm thuyên giảm mụn mà còn khiến da xuất hiện nhiều trình trạng khác như:
Gây viêm da
Khi xuất hiện mụn viêm trên da chứng tỏ rằng lúc đó làn da của chúng ta đang mỏng, yếu và lỗ chân lông đang bị sưng tấy. Nếu cố tình nặn mụn sẽ tạo áp lực lên lỗ chân lông và làm vỡ mụn nang và dễ xuất hiện viêm nhiễm.
Tình trạng viêm nhiễm do nặn mụn sai cách có những biểu hiện dễ nhận thấy như sưng đỏ các vùng da xung quanh và mụn mọc nhiều và mọc thành từng cụm. Sau một thời gian các vết mụn mới sẽ phát triển và gây ra nhiều ảnh hưởng tới sức khỏe làn da.
Gây sẹo rỗ, thâm về sau
Sẹo không những gây mất thẩm mỹ mà còn rất khó điều trị hơn về sau. Bởi vậy bạn nên có phương pháp ngăn ngừa cũng như hạn chế tác động lên tình trạng mụn bị viêm.
Sẹo xuất hiện trên da có thể là do quá trình nặn mụn. Đối với các loại mụn mủ, mụn không nhân sẽ có thể để lại sẹo do thao tác nặn quá mạnh làm đứt gãy các nguyên bào sợi liên kết các tế bào da. Điều này đồng nghĩa cấu trúc collagen và elastin bị phá vỡ và không thể hồi phục như ban đầu. Khi đó các vết thương hở sẽ to ra, các vết sẹo sẽ có diện tích lớn hơn và trở nên thâm sạm.
Những loại mụn nào lấy được nhân?
Chúng ta không nên loại bỏ nhân mụn tại nhà để đảm bảo an toàn cho da, tránh làm mụn trở nặng và tránh xuất hiện mụn ồ ạt. Thay vào đó chúng ta có thể nặn mụn chuẩn y tại các cơ sở y tế, trung tâm thẩm mỹ chất lượng đối với những loại mụn sau:
- Những vết mụn đã khô cồi: Khi những vết mụn khô cồi thì phần nhân cứng sẽ trồi lên trên khỏi bề mặt da. Nhân mụn này khá dễ dàng để loại bỏ mà không cần phải dùng quá nhiều lực hay sử dụng các biện pháp can thiệp khác. Bởi vậy chúng ta có thể loại bỏ vết mụn này mà không cần lo lắng sẽ để lại sẹo trên da.
- Mụn cám, mụn đầu đen: Loại mụn này có nhân mụn nằm rất nông so với bề mặt da bởi vậy chúng ta có thể nhẹ nhàng nặn để loại bỏ nó. Đồng thời loại mụn này không chứa mủ phía bên trong và không gây đau nhức nên sẽ không xảy ra tình trạng nhiễm trùng và lây lan vi khuẩn khi nặn mụn.
Cách nặn mụn đúng cách
Nếu bạn cần loại bỏ nhân mụn gấp hoặc không thể tới các cơ sở y tế thì nên thực hiện theo các bước sau để có thể đảm bảo an toàn cho da, tránh tình trạng lây lan vi khuẩn và tránh làm mụn trở nặng hơn.
Bước 1: Lựa chọn đúng thời điểm để nặn mụn
Lựa chọn đúng thời điểm để tiến hành loại bỏ nhân mụn là điều vô cùng quan trọng và gây ảnh hưởng trực tiếp tới việc mụn có tái xuất hiện hay lây lan, viêm nhiễm hay không. Đầu tiên bạn cần phải xác định mụn này có thể tự nặn tại nhà hay không. Sau đó, bạn nên lựa chọn khi mụn đã chín và cồi mụn khô thì hãy tiến hành loại bỏ.
Bước 2: Vệ sinh da mặt, bàn tay và các dụng cụ dùng để nặn mụn một cách sạch sẽ
Việc vệ sinh là điều kiện tiên quyết cần phải thực hiện trước khi nặn mụn. Bạn không chỉ nên vệ sinh bàn tay và da mặt mà còn phải vệ sinh các dụng cụ hỗ trợ.
- Vệ sinh da mặt: Việc vệ sinh mặt không chỉ giúp loại bỏ vi khuẩn, bụi bẩn và các tác nhân có thể gây nhiễm trùng làn da mà còn khiến da thông thoáng, giúp các vết mụn trở nên dễ thấy hơn.
- Vệ sinh bàn tay và dụng cụ dùng nặn mụn: Nhiều bạn quên mất việc vệ sinh các dụng cụ nặn mụn, đây là một điều không nên. Chúng ta nên rửa sạch tay và dụng cụ bằng cồn sát khuẩn để có thể chặn đứng nguy cơ lây lan vi khuẩn, xuất hiện mụn mủ, sưng và đau nhức.
Bước 3: Tiến hành loại bỏ nhân mụn trên da
Sau khi hoàn tất các công tác xác định và vệ sinh thì chúng ta đã có thể tiến hành loại bỏ nhân mụn.
Đầu tiên bạn sử dụng dụng cụ đã được vệ sinh từ trước và ấn nhẹ nhàng xung quanh nốt mụn. Một lát sau bạn sẽ thấy cồi mụn nhô ra và khi đó bạn có thể dùng lực mạnh hơn để nhân mụn có thể nhô ra hoàn toàn. Cuối cùng bạn nên sử dụng nhíp để gắp nhân mụn, cố gắng không để sót lại cồi mụn. Bởi cồi mụn nếu sót lại trên da sẽ bị đẩy vào sâu bên trong và gây tái phát nhiều lần, thúc đẩy nhiều mụn xuất hiện hơn.
Sau khi loại bỏ nhân mụn bạn nên sử dụng tăm bông hoặc bông gòn y tế để lau sạch vết máu trên bề mặt da. Bước này không chỉ có thể làm sạch mà còn giúp giảm nguy cơ sưng tấy, đau nhức và nhiễm trùng.
Bước 4: Vệ sinh lại da mặt và chăm sóc da
Bước cuối cùng để hạn chế mụn gây ảnh hưởng xấu tới cơ thể đó chính là vệ sinh làn da một lần nữa sau khi loại bỏ nhân mụn. Việc vệ sinh da giúp da hạn chế tình trạng viêm, nhiễm trùng do vi khuẩn, bụi bẩn, dầu thừa,… gây ra.
Sau khi nặn mụn làn da của bạn sẽ trở nên yếu và nhạy cảm hơn, bởi vậy mà bạn nên có cho mình những sản phẩm skincare dịu nhẹ và đem lại hiệu quả làm dịu làn da. Bạn có thể sử dụng những sản phẩm hỗ trợ điều trị mụn và phục hồi làn da được chiết xuất từ thực vật vì nó lành tính và ít gây kích ứng.
Không chỉ vậy, bạn nên lựa chọn các sản phẩm rửa mặt, toner và xịt khoáng chứa các thành phần lành tính, hiệu quả, không sử dụng các sản phẩm tiềm ẩn nguy cơ kích ứng da. Trên đây là những thông tin hữu ích để giải đáp thắc mắc mà nhiều chị em phụ nữ đang quan tâm là “có nên lấy nhân mụn không?”, hậu quả nếu lấy nhân mụn không đúng cách là gì?
Sau khi đọc bài viết này SkinTalk hy vọng rằng bạn sẽ bỏ túi được các cách bảo vệ làn da khỏi tác động của thâm mụn hiệu quả nhất.