Chống nắng hàng ngày giúp bảo vệ cơ thể của bạn khỏi các tác hại khôn lường của tia UV. Nhưng nếu kem chống nắng chứa chất chống nắng độc hại thì không tránh khỏi gây tổn hại cho làn da và cơ thể. Và chất chống nắng đang gây tranh cãi hiện nay phải kể đến octocrylene. Vậy octocrylene là gì? Nó có an toàn để sử dụng lâu dài? Cùng Skintalk tìm hiểu ngay nhé!
Bấm để xem Nội dung bài viết
Octocrylene là gì?
Octocrylene là một hợp chất hữu cơ không màu, tan trong dầu. Hợp chất này được hình thành bằng cách ngưng tụ 2-ethylhexyl cyanoacetate với benzophenone. Octocrylene còn được gọi là Uvinul N-539. Nó chủ yếu được sử dụng trong kem chống nắng nhờ khả năng hấp thụ tia UV, bảo vệ da khỏi tổn thương bởi gốc tự do.
Octocrylene có trong mỹ phẩm nào?
Octocrylene là một thành phần phổ biến được tìm thấy trong nhiều loại mỹ phẩm và sản phẩm chăm sóc cá nhân. Phổ biến nhất là:
- Kem chống nắng: Octocrylene thường được đưa vào các công thức chống nắng nhờ khả năng hấp thụ tia UV có hại từ ánh nắng mặt trời.
- Kem chống lão hóa: Octocrylene được sử dụng trong một số sản phẩm chống lão hóa với công dụng làm giảm các dấu hiệu tổn thương do ánh nắng, chẳng hạn như nếp nhăn và đốm đồi mồi.
- Son dưỡng môi: Một số loại son dưỡng môi bổ sung thêm để cung cấp chỉ số SPF, giúp bảo vệ môi khỏi ánh nắng.
- Kem dưỡng ban ngày: Octocrylene cũng được tìm thấy trong các loại kem dưỡng da ban ngày, đây thường là loại sản phẩm đa năng kết hợp lợi ích chăm sóc da và trang điểm.
- Dầu dưỡng tóc: Octocrylene có thể được thêm vào trong dầu dưỡng tóc để bảo vệ tóc khỏi tia cực tím gây cháy tóc.
- Mỹ phẩm trang điểm: Bằng cách đưa octocrylene vào công thức, các sản phẩm trang điểm như kem nền, BB cream và CC cream cũng có thể chống tia UV và giúp da trông mượt mà hơn.
Octocrylene trong mỹ phẩm có tác dụng gì?
Chống tia cực tím
Octocrylene có khả năng hấp thụ tia UVB và UVA sau đó chuyển hóa chúng thành năng lượng nhiệt. Điều này giúp bảo vệ da khỏi khô sạm, nếp nhăn, đốm lão hóa và ung thư da. Khác với avobenzone, octocrylene vẫn ổn định sau khi tiếp xúc với ánh sáng nên nó trở thành lựa chọn phổ biến của các nhà sản xuất kem chống nắng.
Tăng hiệu quả chống nắng
Octocrylene có thể tăng cường hiệu quả của các màng lọc tia UV không ổn định như avobenzone. Sự có mặt của octocrylene giúp mang lại chỉ số SPF cao hơn mà vẫn duy trì tính ổn định của sản phẩm.
Kháng nước
Không tan không nước là một trong những đặc tính nổi bật của octocrylene. Khi được thêm vào kem chống nắng và mỹ phẩm trang điểm, octocrylene giúp nâng cao khả năng chống thấm và chống trôi cho sản phẩm.
Làm mềm da
Octocrylene được cho là có tác dụng giữ ẩm nhờ vào tính làm mềm. Một số người có thể cảm thấy rằng da mềm mại và ẩm hơn sau khi sử dụng các sản phẩm chứa octocrylene.
Octocrylene có an toàn không?
Quy định về nồng độ octocrylene
Các quy định liên quan đến nồng độ octocrylene trong mỹ phẩm có thể khác nhau tùy theo quốc gia hoặc khu vực.
- Tại châu Âu: Ủy ban Châu Âu kết luận rằng octocrylene trong kem chống nắng là an toàn khi ở nồng độ dưới 10%. Tuy nhiên đây là trường hợp sử dụng từng sản phẩm riêng lẻ. Nếu kết hợp chung với kem dưỡng da mặt, kem dưỡng da tay hoặc son môi đã chứa sẵn 10% octocrylene thì nồng độ octocrylene lúc này không được vượt quá 9%.
- Tại Hoa Kỳ: Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) quy định nồng độ tối đa cho phép của octocrylene trong các sản phẩm chống nắng dưới 10%. Nhưng cần lưu ý là quy định này áp dụng cho các sản phẩm chống nắng chứ không phải tất cả các loại mỹ phẩm.
Rủi ro khi sử dụng sản phẩm chứa octocrylene
Kể từ năm 2021, FDA đã xếp octocrylene vào danh sách các chất chống nắng không an toàn và hiệu quả để sử dụng. Bởi các bằng chứng cho thấy octocrylene có thẩm thấu vào da và điều này dẫn đến các mối nguy hại về mặt sức khỏe.
- Gây viêm da tiếp xúc
Nhiều nghiên cứu tại các nước châu Âu cho thấy ngày càng có nhiều bệnh nhân bị dị ứng quang hóa với octocrylene. Phản ứng này chủ yếu xảy ra ở những người có tiền sử sử dụng thuốc thoa ngoài da chứa chất chống viêm ketoprofen.
Trong khi đó, viêm da tiếp xúc với octocrylene ít gặp hơn và hầu hết trường hợp đều ở trẻ em. Dấu hiệu nhận biết dị ứng octocrylene bao gồm ửng đỏ, ngứa rát, phồng rộp, nổi mề đay,…
Bên cạnh đó, những người mắc bệnh da liễu từ trước như chàm, rosacea, vảy nến,… cũng dễ bị kích ứng với octocrylene. Các bác sĩ da liễu thường khuyên bệnh nhân này nên tránh các sản phẩm có chứa octocrylene.
- Làm rối loạn nội tiết
Nhiều nghiên cứu cho rằng octocrylene có thể có đặc tính gây rối loạn nội tiết, dẫn đến những ảnh hưởng xấu đến sức khỏe. Theo một báo cáo vào năm 2019, tiếp xúc với octocrylene có thể ảnh hưởng đến nồng độ estrogen trong cơ thể.
Estrogen là một loại hormone đóng vai trò quan trọng trong các quá trình sinh lý khác nhau, bao gồm cả sức khỏe sinh sản và sự phát triển. Sự gián đoạn nồng độ estrogen có thể có tác động trên diện rộng trên cơ thể.
- Tăng nguy cơ ung thư
Octocrylene có thể phân hủy thành benzophenone theo thời gian. Nói cách khác nồng độ benzophenone trong các sản phẩm có chứa octocrylene có thể tăng lên khi sản phẩm cũ đi. Và benzophenone lại được phân loại là chất gây đột biến, gây ung thư và gây rối loạn nội tiết
Vào năm 2021, FDA đã tiến hành kiểm tra nồng độ benzophenone trong 9 sản phẩm chống nắng từ châu Âu và 8 sản phẩm từ Mỹ có chứa thành phần chính là octocrylene. Kết quả cho thấy có đến 16 sản phẩm có mặt benzophenone với nồng độ trung bình là 39 mg/kg. Sau khi áp dụng phương pháp ổn định cấp tốc lên các sản phẩm này, nồng độ trung bình của benzophenone đã tăng lên 75 mg/kg.
- Tác động xấu đến môi trường
Vào năm 2018, Hawaii ban lệnh cấm bán kem chống nắng có chứa oxybenzone và octinoxate vì chúng làm tổn hại đến rạn san hô. Sau đó, giới chuyên gia tiến hành xem xét kỹ lưỡng cả những thành phần chống nắng khác như octocrylene, đồng thời tìm kiếm các chất thay thế không chỉ giúp ngăn ngừa ung thư da mà còn cần đảm bảo thân thiện cho đời sống thủy sinh.
Theo kết luận của nhóm nghiên cứu tại Đại học Sorbonne và Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Quốc gia Pháp, octocrylene tích tụ trong san hô khi hòa tan trong nước ở nồng độ từ 5 μg/L trở lên. Trong khi đó, các nhà khoa học Tây Ban Nha đã phát hiện ra octocrylene có mặt ở những loài động vật dưới nước như cá heo, trai,… Họ cũng cho biết nồng độ octocrylene trong nước biển cao hơn so với trước đây và sự tích tụ còn xảy ra đối với cả octocrylene ở dạng axit béo.
Các nhà khoa học nói rằng octocrylene ảnh hưởng đến chu kỳ sinh sản của san hô, làm hỏng DNA và làm trầm trọng thêm hiện tượng tẩy trắng rạn san hô. Không chỉ vậy, octocrylene còn có thể gây biến dạng, giảm khả năng sinh sản và làm chậm quá trình phát triển của các sinh vật biển khác, ví dụ như nhím biển, cá heo, tảo xanh,…
Đáng lo ngại hơn, octocrylene rất bền vững trong môi trường, nghĩa là nó không dễ bị phân hủy. Sự tồn tại dai dẳng này có thể góp phần vào sự tích tụ của nó trong các vùng nước và tiềm ẩn những ảnh hưởng lâu dài đến hệ sinh thái dưới nước.
Lưu ý khi sử dụng mỹ phẩm chứa octocrylene
- Thoa thử mỹ phẩm chứa octocrylene
Trước khi sử dụng mỹ phẩm chứa octocrylene trên mặt hoặc cơ thể, bạn nên thoa thử lên một vùng da nhỏ và quan sát trong trong 48 giờ. Nếu xuất hiện mẩn đỏ, ngứa rát, kích ứng hoặc bất cứ phản ứng tiêu cực nào, hãy rửa sạch da và ngừng sử dụng sản phẩm.
Trong trường hợp không có dấu hiệu bất thường trên da nhưng bạn vẫn nghi ngờ mình bị dị ứng với octocrylene thì nên đến bệnh viện da liễu để làm patch test.
- Không để sản phẩm tiếp xúc mắt
Octocrylene khi dính vào mắt sẽ gây đỏ giác mạc và chảy nước mắt. Do đó hãy cẩn thận hơn khi thoa sản phẩm quanh vùng mắt Nếu vô tình để sản phẩm tiếp xúc với mắt, hãy rửa kỹ bằng nước sạch.
- Không dùng octocrylene cho da nhạy cảm
Nếu da thuộc tuýp bạn nhạy cảm hoặc dị ứng với chất chống nắng hóa học, bạn hãy bỏ qua các sản phẩm chứa octocrylene. Da nhạy cảm nên tìm kiếm kem chống nắng thuần vật lý với zinc oxide và titanium dioxide. Đây là 2 cái tên duy nhất được FDA công nhận là an toàn và hiệu quả khi thoa lên da.
- Phụ nữ mang thai cần tránh xa octocrylene
Octocrylene là thành phần chống nắng hóa học có thể được da hấp thụ và tích tụ trong cơ thể. Các nhà khoa học đã tìm thấy các chất chống nắng hóa học trong mẫu máu, nước tiểu và sữa mẹ.
Nghiên cứu công khai của FDA còn cho thấy chúng thẩm thấu chỉ sau một lần thoa và tồn tại trong máu ngay cả khi đã ngưng sử dụng sản phẩm khoảng 1 tuần trước đó. Vì những mối nguy này mà phụ nữ mang thai vẫn được khuyến cáo tránh sử dụng mỹ phẩm có chứa octocrylene.
- Không dùng kem chống nắng chứa octocrylene khi tắm biển
Octocrylene có hại cho rạn san hô và sinh vật biển, vì vậy mà bạn không thoa kem chống nắng chứa thành phần này khi đi tắm biển.ới
Octocrylene có mặt trong nhiều loại mỹ phẩm khác nhau nhưng nhiều nhất vẫn là kem chống nắng. Theo các quy định hiện tại thì octocrylene vẫn được xem là không gây hại cho sức khỏe khi sử dụng ở nồng độ cho phép. Nhưng cần lưu ý rằng octocrylene có thể tích trữ theo thời gian và khi đạt tới mức nào đó nó có thể sẽ tạo ra những ảnh hưởng nghiêm trọng cho cơ thể.